I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN:
1. Vị trí địa lý
Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ,
phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây
giáp tỉnh Lâm Đồng và phía Đông giáp Biển Đông.
Diện tích tự nhiên 3.358 km2,
có 7 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố và 6 huyện. Tp. Phan Rang-Tháp
Chàm là thành phố thuộc tỉnh, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa
của tỉnh, cách Tp. Hồ Chí Minh 350 km, cách sân bay Cam Ranh 60 km, cách
Tp. Nha Trang 105 km và cách Tp. Đà Lạt 110 km, thuận tiện cho việc
giao lưu phát triển kinh tế-xã hội.
2. Địa hình:
Địa hình Ninh Thuận thấp dần từ Tây Bắc xuống
Đông Nam, với 3 dạng địa hình: núi chiếm 63,2%, đồi gò bán sơn địa chiếm
14,4%, đồng bằng ven biển chiếm 22,4% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
3. Khí hậu, thủy văn:
Ninh Thuận có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển
hình với đặc trưng khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh, nhiệt độ trung
bình hàng năm từ 26-270C,
lượng mưa trung bình 700-800mm ở Phan Rang và tăng dần đến trên 1.100mm
ở miền núi, độ ẩm không khí từ 75-77%. Năng lượng bức xạ lớn 160 Kcl/cm2. Tổng lượng nhiệt 9.500– 10.0000C. Thời tiết có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 9 năm sau.
Nguồn nước ở Ninh Thuận phân bổ không đều, tập
trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc và trung tâm tỉnh. Nguồn nước ngầm chỉ
bằng 1/3 mức bình quân cả nước.
4. Tài nguyên đất:
Tổng diện tích tự nhiên 3.358 km2,
trong đó đất dùng vào sản xuất nông nghiệp 69.698 ha; đất lâm nghiệp
185.955 ha; đất nuôi trồng thủy sản 1.825 ha; đất làm muối 1.292 ha; đất
chuyên dùng 16.069 ha; đất ở 3.820 ha; đất sông suối và mặt nước chuyên
dùng 5.676 ha; còn lại đất chưa sử dụng.
5. Tài nguyên biển:
Bờ biển dài 105 km, ngư trường của tỉnh nằm
trong vùng nước trồi có nguồn lợi hải sản phong phú và đa dạng với trên
500 loài hải sản các loại. Ngoài ra, còn có hệ sinh thái san hô phong
phú và đa dạng với trên 120 loài và rùa biển đặc biệt quý hiếm chỉ có ở
Ninh Thuận. Vùng ven biển có nhiều đầm vịnh phù hợp phát triển du lịch
và phát triển nuôi trồng thủy sản và sản xuất tôm giống là một thế mạnh
của ngành thủy sản.
6. Tài nguyên khoáng sản:
- Khoáng sản kim loại có Wonfram, Molipđen, thiếc. Titan tại khu vực ven biển với trữ lượng nhiều triệu tấn.
- Khoáng sản phi kim loại có thạch anh tinh thể, đá granite, cát thủy tinh, sét gốm…
- Nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng có đá granite với tổng trữ lượng khoảng 850 triệu m3, cát kết vôi trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3; đá vôi san hô tập trung vùng ven biển trữ lượng khoảng 2,5 triệu tấn CaO; sét phụ gia, đá xây dựng.
- Tiềm năng về khoáng bùn mới được phát hiện ở
thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, qua kết quả
điều tra khảo sát của Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước
miền Trung thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, bùn khoáng có chất lượng
tốt, không có chứa các chất độc hại, trữ lượng bùn khoáng dự kiến khoảng
trên 30.000 tấn, có thể tiếp tục điều tra, thăm dò và khai thác sử dụng
vào mục đích phát triển phục vụ loại hình du lịch kết hợp tắm ngâm chữa
bệnh.
II/ ĐIỀU KIỆN XÃ HỘI:
1. Dân số và nguồn lao động.
Dân số trung bình năm 2010 có 571 ngàn người. mật độ dân số trung bình 170 người/km2,
phân bố không đều, tập trung chủ yếu vùng đồng bằng ven biển. Cộng đồng
dân cư gồm 3 dân tộc chính là dân tộc Kinh chiếm 76,5%, dân tộc Chăm
chiếm 11,9%, dân tộc Raglai chiếm 10,4%, còn lại là các dân tộc khác.
Dân số trong độ tuổi lao động có 365.700
người, chiếm khoảng 64%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 40%. Cơ
cấu lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 51,99%,
công nghiệp xây dựng chiếm 15%, khu vực dịch vụ chiếm 33,01%.
Với nguồn lao động dồi dào trên sẽ đáp ứng nhu cầu lao động cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
2. Giáo dục- đào tạo.
Toàn tỉnh có 308 trường/ 2.721 phòng học
phổ thông các cấp học, trong đó có 17 trường THPT/ 415 phòng học, có 27
trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 12,1%), có 85 trường mẫu giáo, nhà
trẻ /531 phòng học. Hệ thống giáo dục phổ thông và nội trú đã hình thành
ở tất cả các huyện, thành phố. Hệ thống các trường đào tạo gồm: Phân
hiệu Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận, Trường Cao đẳng Sư
phạm, Trường Chính trị, Trung tâm ĐH2- Đại học Thủy lợi, Trường Trung
cấp Nghề, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và dạy nghề các
huyện, thành phố có nhiệm vụ nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề
cho người lao động.
3. Y tế
Toàn tỉnh có 84 cơ sở y tế khám chữa bệnh
với 1.585 giường bệnh, đạt tỷ lệ 27,8 giường bệnh/vạn dân, trong đó:
Tuyến tỉnh có 8 cơ sở - 810 giường bệnh, Tuyến huyện, xã có 73 cơ sở -
705 giường bệnh (trong đó 65 trạm y tế xã, phường - 325 giường bệnh).
Tổng số y bác sỹ 798 người. Hiện đang đầu tư xây mới bệnh viện tỉnh có
quy mô 500 giường bệnh, bệnh viện các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, quy mô
100 giường bệnh; nâng cấp bệnh viện huyện Ninh Phước, bệnh viện khu vực
Ninh Sơn và các phòng khám đa khoa khu vực; xây dựng Trường Trung cấp y
tế và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS.
Những thay đổi về địa danh, địa giới hành chính của tỉnh Ninh Thuận từ ngày được giải phóng
09/10/2009
Những thay đổi về địa danh, địa giới hành chính của tỉnh Ninh Thuận từ ngày được giải phóng.
Trước ngày 16-4-1975, tỉnh Ninh Thuận gồm có 5 quận: Thanh Hải, An Phước, Bửu Sơn, Du Long và Sông Pha.
Sau
30-4-1975, Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Ninh Thuận
được sáp nhập với Bình Thuận, Tuyên Đức, Lâm Đồng thành tỉnh Thuận Lâm.
Tháng 2-1976, thực hiện chủ trương giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở Miền
Nam, Việt Nam, ba tỉnh Ninh Thuậnm Bình Thuận và Bình Tuy hợp nhất thành
tỉnh Thuận Hải. Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũ có một thị xã (Phan
Rang) và 3 huyện (Ninh Sơn, Ninh Hải, An Phước).
Trong thời gian là một bộ phận của tỉnh Thuận Hải trên địa bàn Ninh Thuận cũ có những thay đổi ở cấp huyện như sau:
- Ngày 27-4-1977, từ một thị xã và ba huyện hợp nhất thành hai huyện là huyện An Sơn với thị trấn huyện lỵ Tháp Chàm và huyện Ninh Hải (mới) với thị trấn huyện lỵ Phan Rang (theo Quyết Định số 124/CP của Hội đồng Chính Phủ).
- Đến ngày 1-9-1981 (theo Quyết định số 45/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng) hai huyện An Sơn và Ninh Hải được chia tách trở lại thành thị xã Phan Rang và ba huyện là Ninh Sơn, Ninh Hải và Ninh Phước.
- Ngày 01-4-1981, tỉnh Ninh Thuận chính thức được tái lập và đi vào hoạt động (theo Nghị quyết của Hội đồng bộ trưởng) hai huyện An Sơn và Ninh Hải được chia tách lại thành thị xã Phan Rang và ba huyện là Ninh Sơn, Ninh Hải và Ninh Phước.
Ngày
1-4-1992, tỉnh Ninh Thuận chính thức được tái lập và đi vào hoạt động
(theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 10, ngày 26-12-1991,
tỉnh Thuận Hải được chia tách thành hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận).
Tỉnh Ninh Thuận có bốn đơn vị hành chính là thị xã Phan Rang - Tháp
Chàm và ba huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước với diện tích tự nhiên
là 3.530,4km2, dân số 406.732 người. Từ ngày tái lập đến nay trên địa
bàn tỉnh Ninh Thuận đã có những thay đổi về địa giới địa danh như sau:
- Ngày 3-6-1993 thành lập thị trấn Phước Dân, thị trấn huyện lỵ huyện Ninh Phước, gồm toàn bộ xã Phước Dân và thôn Mỹ Nghiệp của xã Phước Hải (Theo Nghị định 33/CP của Chính phủ).
- Ngày 28-5-1994, thành lập thị trấn Khánh Hải, thị trấn huyện lỵ huyện Ninh Hải, gồm bốn thôn Dư Khánh 1, Dư Khánh 2, Ninh Chữ và Cá Đú của xã Khánh Hải (theo Nghị định số 42/CP của Chính Phủ).
- Ngày 29-8-1994, trên địa bàn huyện Ninh Sơn, xã Trà Co được tách thành hai xã mới là Phước Tân và Phước Tiến như trước đây; xã Phước Đại được chia thành hai xã Phước Đại và Phước Chính (theo Nghị định số 104/CP của Chính Phủ).
- Ngày 14-8-1998, thành lập xã mới Phước Minh trên cơ sở điều chỉnh chỉ giới của xã Phước Nam và xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước. (Theo Nghị định số 60/1998/NĐ-CP của Chính Phủ).
- Ngày 30-8-2000, xã Tân Sơn (huyện Ninh Sơn) được điều chỉnh để thành lập thị trấn huyện lỵ Tân Sơn và xã Lương Sơn theo Nghị định số 42/2000/NĐ-CP của Chính Phủ).
- Ngày 6-11-2000, huyện Bác Ái được tái thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính trên huyện Ninh Sơn, huyện Bác Ái có 9 xã, huyện Ninh Sơn còn 7 xã và một thị trấn (theo Nghị định số 65/2000/NĐ-CP của Chính phủ).
- Ngày 25-12-2001, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm thành lập thêm 3 phường mới và điều chỉnh địa giới hành chính của các Phường Bảo An, Phước Mỹ, Phủ Hà, Kinh Dinh, Thanh Sơn và Tấn Tài. Ba phường mới được thành lập là phường Đông Hải (xã Đông Hải cũ), Phường Mỹ Đông (một phần của xã Mỹ Hải) và phường Đài Sơn (một phần địa giới của phường Thanh Sơn và một phần xã Thành Hải (theo Nghị định số 99/2001/NĐ-CP của Chính Phủ).
- Ngày
01/10/2005, huyện Thuận Bắc được tái lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới
hành chính của huyện Ninh Hải: có 6 đơn vị hành chính trực thuộc là:
Lợi Hải, Công Hải, Phước Chiến, Phước Kháng, Bắc Sơn và Bắc Phong.1.Mạng lưới giao thông
Mạng lưới giao thông Ninh Thuận khá thuận lợi, có quốc lộ 1A chạy qua, quốc lộ 27A lên Đà Lạt và Nam Tây Nguyên, quốc lộ 27B chạy qua địa phận huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đến thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, đường sắt Bắc Nam và 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Ngoài ra, sân bay quốc tế Cam Ranh và cảng hàng hóa Ba Ngòi (một trong 10 cảng biển lớn của cả nước) thuộc tỉnh Khánh Hòa khá gần tỉnh Ninh Thuận (phạm vi khoảng 45km đến 60km), là một trong những điều kiện thuận lợi về giao thông để đến với Ninh Thuận.- Hệ thống cảng biển: gồm có 3 cảng cá: Đông Hải với cầu tàu dài 265m, Cà Ná dài 200m, cảng Ninh Chữ với cầu tàu dài 120m và Bến cá Mỹ Tân, là nơi trú đậu cho 2.000 tàu thuyền đánh cá trong tỉnh và các tỉnh vào trú bão an toàn, có khả năng tiếp nhận tàu có qui mô công suất đến 500CV. Cảng hàng hóa Dốc Hầm – Cà Ná là một trong cảng biển miền Trung được quy hoạch phát triển thành cảng nước sâu, qui mô công suất hàng hóa qua cảng 15 triệu tấn/năm.2. Thủy lợi
Toàn tỉnh đến nay có 12 hồ chứa với dung tích chứa 137 triệu m3 và 76 đập dâng có khả năng tưới cho 35.150ha, đảm bảo nước tưới cho hơn 42% đất nông nghiệp. Đến năm 2015 tỉnh sẽ tập trung triển khai nhiều công trình thủy lợi lớn như hồ Tân Mỹ, sông Than, sông Biêu với tổng trữ lượng khoảng 350 triệu m3 nước đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.3. Cấp nước
Hiện tại có 4 hệ thống công trình cấp nước tập trung có qui mô lớn tổng quy mô trên 80 ngàn m3/ngày đêm gồm Nhà máy nước Phan Rang – Tháp Chàm quy mô 52.000m3/ngày đêm, nhà máy nước Cà Ná – Phước Nam qui mô 30.000m3/ngày – đêm, Nhà máy nước Tân Sơn quy mô 1.000m3/ngày, Nhà máy nước Phước Dân quy mô 1.000m3/ngày, cung cấp cho thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Hơn 60 hệ thống cấp nước từ nguồn nước mặt hoặc nước ngầm với quy mô từ 50-500m3/ngày và các công trình nước tự chảy phục vụ cho khoảng 148 ngàn người;Hiện nay tỷ lệ dân cư thành thị được dùng nước sạch khoảng 90% và nông thôn đạt 79%.4. Cấp điện
Tỉnh Ninh Thuận được cấp điện từ lưới điện quốc gia 220KV, 110KV với nguồn cấp trực tiếp là nhà máy thủy điện Đa Nhim công suất 160 MW. Ngoài ra còn được sự hỗ trợ của các nguồn điện tại chỗ là thủy điện Sông Pha công suất 7,5MW (5x1,5MW), nhà máy thủy điện Sông Ông công suất 8,1 MW (3x2,7MW).Hệ thống lưới điện quốc gia đã được đầu tư đến 100% số xã, phường, thị trấn đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và cung cấp điện cho hơn 95% số hộ trong tỉnh. Tỉnh đang triển khai xây dựng tiếp các hệ thống điện cung cấp cho các khu kinh tế trọng điểm của tỉnh.5. Bưu chính viễn thông
Mạng lưới bưu chính viễn thông của tỉnh đã được đầu tư hiện đại hóa, đảm bảo thông tin liên lạc trong nước và quốc tế; đảm bảo cung cấp các dịch vụ với chi phí phù hợp và đậ tin cậy cao như: mạng lưới dữ liệu thông tin tốc độ cao, hạ tầng mạng lưới băng thông rộng (MAN) cho Thành phố theo mô hình “một hệ thống, đa dịch vụ”.6. Các dịch vụ hỗ trợ đầu tư khác (ngân hàng – tín dụng, bảo hiểm…)
Ngày càng nâng cao chất lượng, linh hoạt, an toàn và thuận tiện. Hệ thống các ngân hàng thương mại tại tỉnh hiện nay gồm các chi nhánh của các Ngân hàng: Công Thương (Vietibank); Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank); Đầu tư và Phát triển (BIDV); Thương mại CP Ngoại Thương (Vietcombank); Thương mại CP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Đông Á; Thương mại CP Á Châu (ACB)… Các ngân hàng có khả năng huy động vốn và đáp ứng nhu cầu vốn bằng tiền Việt Nam và ngoại tệ.
Giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận
Sau
những thất bại nặng nề từ đầu tháng 3-1975 đến nay tập đoàn Nguyễn Văn
Thiệu đã đưa lữ đoàn lính nhảy dù số 2, liên đoàn quân biệt động số 31
và thu thập số tàn quân của các đơn vị đã bị đánh tan tác ở vùng quân
khu 1, huy động lực lượng không quân và hải quân tổ chức tuyến phòng ngự
đặt dưới sự chỉ huy của bộ chỉ huy tiền phương quân đoàn 3 nguỵ ở tỉnh
Ninh Thuận và thị xã Phan Rang, hòng cố thủ và ngăn chặn bước tiến mạnh
mẽ của quân giải phóng.
Phối
hợp chặt chẽ với quân và dân trên toàn miền Nam, thừa thắng, ngày 16-4,
các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng Ninh Thuận đã từ nhiều hướng
đánh thẳng vào hướng phòng ngự của địch ở khu vực thị xã Phan Rang, sở
chỉ huy tiền phương quân đoàn 3, bộ tư lệnh sư đoàn không quân số 6,
các bộ tư lệnh quân biệt động, lữ đoàn lính nhảy dù ngụy số 2 và những
đơn vị vừa tập họp lại, trận địa pháo và các cụm xe tăng, xe bọc thép
của địch.
Đồng
bào thị xã Phan Rang đã nổi dậy phối hợp cùng quân giải phóng nhanh
chóng đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ.
Đúng 7 giờ sáng ngày 16-4-1975, thị xã Phan Rang đã hoàn toàn giải phóng.
Tiếp
đó quân giải phóng đã nhanh chóng tiến công địch ở sân bay Thành Sơn
(cách thị xã Phan Rang 12 km về phía Tây Bắc), tiêu diệt và làm tan rã
hoàn toàn quân địch ở đây.
Đến
10 giờ sáng ngày 16-4-1975, quân giải phóng đã làm chủ sân bay Thành
Sơn. Toàn bộ tỉnh Ninh Thuận đã được hoàn toàn giải phóng. Hơn 30 vạn
đồng bào tỉnh Ninh Thuận và thị xã Phan Thiết đã giành quyền làm chủ.
Hàng ngàn binh lính sĩ quan, cảnh sát, nhân viên nguỵ quyền nghe theo
lời kêu gọi của cách mạng đã mang vũ khí trở về với nhân dân.
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020
I/ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN:Mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 đó là: Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai.
Phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững theo mô hình kinh tế “xanh, sạch”; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ gắn với việc giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Phấn đấu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm
GDP giai đoạn 2011-2015 đạt 16-18%/năm và giai đoạn 2016-2020 đạt
19-20%/năm; GDP/người theo giá thực tế đến năm 2015 đạt khoảng 1.400
USD, bằng 70% mức bình quân chung của cả nước và đến năm 2020 đạt khoảng
2.800 USD, bằng 87,5% mức bình quân chung của cả nước.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng
nhanh dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng
ngành nông nghiệp. Đến năm 2015 tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng đạt
40%; ngành nông – lâm – thủy sản đạt 25%; các ngành dịch vụ đạt 35% và
năm 2020 tỷ trọng các ngành tương ứng đạt 52% - 20% - 28%.
II/ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN, KÊU GỌI ĐẦU TƯ CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC VÀ KẾT CẤU HẠ TẦNG KINH TẾ-XÃ HỘI1. Định hướng phát triển và kêu gọi đầu tư các ngành, lĩnh vực
Tập trung ưu tiên phát triển 6 nhóm ngành gồm: Năng lượng, du lịch, nông lâm, thủy sản, sản xuất chế biến và 2 nhóm ngành phụ trợ là giáo dục-đào tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản; đến năm 2020 mục tiêu phát triển 6 nhóm ngành đóng góp 91% GDP và giải quyết 85% lao động của toàn tỉnh, cụ thể:
a) Phát triển nhóm ngành năng lượng
Mục tiêu là xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước, mà trọng tâm là điện hạt nhân và năng lượng tái tạo. Phấn đấu đến năm 2020 cụm ngành này đóng góp 11% GDP của tỉnh và giải quyết 5-8% nhu cầu năng lượng quốc gia, chiếm 8% lao động xã hội.
Các định hướng chính về phát triển cụm ngành công nghiệp năng lượng: Ngoài nguồn lực Trung ương đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận với quy mô công suất 4.000 MW, nhà máy thứ nhất dự kiến khởi công vào năm 2014 và đi vào vận hành vào năm 2020; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài để phát triển cụm ngành này, đặc biệt là huy động tối đa nguồn vốn FDI để đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời và phát triển thủy điện, cụ thể:
(1) Thu hút đầu tư các dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời ở các khu vực có tiềm năng theo quy hoạch phát triển, với quy mô từ 1.500 – 2.000 MW, từng bước hình thành vùng trọng điềm năng lượng sạch của quốc gia.
(2) Phát triển loại hình thủy điện tích năng đầu tiên trên cả nước với quy mô 1.200 MW trên hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2020.
Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Dự án phong điện, điện mặt trời, chế tạo thiết bị Turbin gió và các công nghiệp, dịch vụ phụ trợ ngành năng lượng hạt nhân, năng lượng gió…
b) Du lịch
- Phát triển du lịch Ninh Thuận theo hướng phát triển toàn diện để khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh, bao gồm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và dịch vụ phục vụ du lịch. Từng bước hình thành các khu du lịch trọng diểm của cả nước và khu vực Đông Nam Á với các loại hình du lịch độc đáo, có chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm du lịch đa dạng. Phấn đấu đến năm 2020 cụm ngành này đóng góp 12% GDP của tỉnh và giải quyết 13% lao động xã hội.
- Định hướng phát triển ngành du lịch theo 3 hướng như sau:
* Phát triển du lịch biển, với khâu đột phá là đầu tư cải thiện mạnh mẽ điều kiện hạ tầng giao thông, tạo kết nối cao giữa các khu du lịch với các trục quốc lộ, nhất là tuyến đường ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná dài 116 km, kết nối các khu du lịch biển với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; đi đôi với đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, xây dựng tỉnh Ninh Thuận thành một trong những vị trí chiến lược trong mạng lưới du lịch của cả nước và khu vực.
* Hình thành các dịch vụ chất lượng cao, tiến tới xây dựng Ninh Thuận trở thành một điểm đến hấp dẫn. Tăng nguồn lực đầu tư đúng mức cho các sản phẩm đặc thù có lợi thế của tỉnh, như rượu vang kết hợp loại hình du lịch nghỉ dưỡng- Spa nho, du thuyền, hình thành các khu Resort quy mô lớn, hiện đại, chất lượng dịch vụ cao, tạo sự khác biệt có tính cạnh tranh cao so với các tỉnh trong khu vực, nhằm cung cấp các sản phẩm du lịch tốt nhất để thu hút du khách trong và ngoài nước.
* Phát triển ngành du lịch theo hướng gắn với các lợi thế sẵn có của địa phương với các loại hình du lịch hiện đại, chuyên nghiệp.
- Các ngành du lịch trụ cột phát triển trong thời gian tới, bao gồm:
(1) Phát triển loại hình du lịch thuyền buồm cao cấp, hướng đến đối tượng khách du lịch có thu nhập cao; hình thành Câu lạc bộ du thuyền, phát triển từ 100 đến 200 du thuyền tại vịnh Vĩnh Hy.
(2) Hình thành các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng gắn với loại hình Spa cao cấp, có thương hiệu quốc tế, sử dụng nguyên liệu đặc thù của Ninh Thuận.
(3) Phát triển loại hình du lịch kết hợp thưởng thức rượu vang nho, trở thành điểm đến quan trọng nhất trong khu vực Đông Nam Á.
(4) Khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, đặc thù về nắng và gió để phát triển các môn dịch vụ trên không và dưới nước như kéo dù, bơi lội dưới nước ngắm rạng san hô, đua môtô trên cát.
(5) Hình thành các tour du lịch sinh thái và các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp thân thiện với môi trường.
(6) Phát triển mạnh loại hình du lịch văn hóa gắn với các khu di tích Chăm và các làng nghề truyền thống.
Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Xây dựng các villa, khu nghĩ dưỡng cao cấp ven biển; khách sạn tiêu chuẩn quốc tế từ 5 sao trở lên; các loại hình du lịch câu lạc bộ du thuyền, thể thao trên biển; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.
c) Nông, lâm nghiệp, thủy sản
Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành để nâng cao hiệu quả, bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện chính sách an sinh xã hội. Phấn đấu đến năm 2020 cụm ngành nông lâm thủy sản đóng góp 20% GDP của tỉnh và giải quyết 29% lao động xã hội.
+ Về nông nghiệp: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học, nâng cao giá trị sử dụng đất; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 6-7%/năm; ổn định diện tích trồng lúa 17.000 – 18.000 ha, sản lượng hàng năm đạt 200.000 – 220.000 tấn; nâng cao chất lượng đàn gia súc, phát triển mô hình chăn nuôi trang trại tập trung gắn với công nghiệp chế biến, nâng tỷ lệ sind hóa đàn bò, đến năm 2015 đạt 38% và đến năm 2020 đạt 45%.
+ Về thủy sản: Phát huy lợi thế về sản xuất giống thủy sản, phát triển vùng sản xuất giống tập trung An Hải, Nhơn Hải và nghề nuôi tôm thịt gắn với công nghiệp chế biến xuất khẩu; đẩy mạnh nghề khai thác thủy sản xa bờ; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 7-8%/năm. Mục tiêu đến năm 2015 sản lượng tôm giống đạt 11,5 tỷ con giống, diện tích nuôi tôm đạt 1.200 – 1.300 ha, sản lượng tôm thịt đạt 13.000 tấn; sản lượng hải sản đánh bắt xa bờ đạt 60.000 tấn, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 100 triệu USD. Đến năm 2020 tương ứng chỉ tiêu trên đạt 17 tỷ con giống, 1.200 – 1.300 ha, 20.000 tấn, 65.000 tấn và 150 triệu USD.
+ Về lâm nghiệp: Nâng cao hiệu quả sử dụng đất và nâng cao chất lượng độ che phủ rừng một cách hợp lý, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững. Bảo vệ, chăm sóc rừng hiện có, tích cực trồng mới, khoanh nuôi, tái sinh rừng, phát triển cây cao su theo hướng sản xuất hàng hóa trên vùng đất nghèo kiệt ở các huyện: Bác Ái, Ninh Sơn; mục tiêu đến năm 2015 độ che phủ rừng đạt trên 45% và đến năm 2020 đạt khoảng 50%.
Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Thành lập các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ về nông nghiệp, giống thủy sản chất lượng cao; xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu; nhà máy chế biến các sản phẩm từ nho; nhà máy chế biến thịt gia súc gia cầm…; Dự án sản xuất hóa chất sau muối.
đ) Về công nghiệp
Phát triển ngành công nghiệp giai đoạn tới
theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng
lượng, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh, có giá trị
gia tăng cao, tạo tăng trưởng đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và
nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Mục tiêu đến năm 2020 ngành công
nghiệp đóng góp 12% GDP và giải quyết 13% lao động xã hội.
+ Tập trung phát triển các ngành công
nghiệp chế biến có lợi thế như công nghiệp sản xuất muối và hóa chất sau
muối, công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, mở rộng diện tích sản
xuất muối đạt từ 4.000 – 5.000 ha, sản lượng đạt 450.000 – 500.000
tấn/năm và phát triển các sản phẩm hóa chất sau muối như: Muối cao cấp,
xút Magiê-Clo, sản lượng đạt 200.000 – 250.000 tấn/năm, đầu tư xây dựng
từ 1- 2 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu, quy mô mỗi nhà máy đạt 10.000
tấn/năm; nhà máy chế biến thịt gia súc, gia cầm, sản xuất bia, rượu nho
gắn với việc hình thành các khu du lịch sinh thái.
- Phát triển mạnh ngành công nghiệp chế
biến thực phẩm và đồ uống với nguồn nguyên liệu chủ động và là những sản
phẩm có lợi thế của địa phương, hình thành từ 01 đến 02 nhà máy chế
biến tôm xuất khẩu quy mô từ 10.000 – 20.000 tấn/năm, nhà máy chế biến
nhân điều quy mô 10 – 20 ngàn tấn/năm, nhà máy chế biến thịt gia súc,
gia cầm với sản phẩm có lợi thế từ ngành chăn nuôi của địa phương như
dê, cừu quy mô 3.000 tấn/năm; phát triển nhà máy sản xuất rượu nho gắn
với việc hình thành các khu du lịch sinh thái.
- Phát triển mạnh ngành công nghiệp khai
thác và chế biến khoáng sản như quặng Titan. Từng bước hình thành các
ngành công nghiệp mới như sản xuất đồ gỗ, hóa chất sau muối, các sản
phẩm tiêu dùng khác.
- Phát triển mạnh các ngành công nghiệp
phụ trợ phục vụ cho sản xuất công nghiệp như lắp ráp, gia công cơ khí,
sản xuất các linh kiện cơ khí phục vụ cho các nhà máy sản xuất điện.
+ Phát triển các khu công nghiệp, cụm công
nghiệp: Giai đoạn 2011-2015 tập trung hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng
KCN Du Long và KCN Phước Nam giai đoạn 2016 – 2020 phát triển KCN Hiếu
Thiện và KCN Cà Ná. Mỗi huyện đầu tư xây dựng 1-2 cụm công nghiệp với
quy mô khoảng 30 – 50 ha. Ưu tiên phát triển 8 cụm công nghiệp: Thành
Hải, Tháp Chàm (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm), Cà Ná (Thuận Nam), Tri Hải
(Ninh Hải), Tân Sơn, Quảng Sơn (Ninh Sơn), Phước Thắng (Bác Ái), Suối Đá
(Thuận Bắc).
Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Các dự
án sản xuất Turbin gió, đóng tàu du lịch (thuyền buồm); Sản xuất thiết
bị y tế và sản xuất các loại động cơ xe máy sử dụng năng lượng tái tạo;
nhà máy sản xuất ôtô “sạch”; Chế biến đá granitte.
đ) Xây dựng và kinh doanh bất động sản, phát triển các khu đô thị mới
Phát triển ngành xậy dựng và kinh doanh
bất động sản nhằm bảo đảm xây dựng một môi trường sống tốt, phát triển
theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, phát triển hệ thống giao
thông liên vùng thuận tiện có tính kết nối cao và xây dựng một thị
trường bất động sản có giá cả hợp lý, có sự khác biệt và có sức cạnh
tranh cao. Phấn đấu đến năm 2020 mục tiêu của cụm ngành này chiếm 37%
GDP và giải quyết 25% lao động xã hội.
Phát triển ngành xây dựng trở thành ngành
kinh tế mạnh, hình thành các doanh nghiệp hoạt động xây dựng có năng lực
về tài chính và trình độ chuyên môn cao, có nguồn nhân lực mạnh để
triển khai các công trình dự án có quy mô lớn, yêu cầu trình độ kỹ thuật
phức tạp. Phát triển mạnh nguồn nguyên liệu cung cấp vật liệu xây dựng
như xi-măng với 2 nhà máy quy mô 2 triệu tấn/năm, cát, đá…; đồng thời
phát triển mạnh các ngành dịch vụ xây dựng như dịch vụ tư vấn thiết kế
kiến trúc, dịch vụ xây dựng công trình, hình thành các doanh nghiệp xây
lắp có năng lực về tài chính và năng lực kỹ thuật đáp ứng tốt nhất cho
các công trrình có trình độ kỹ thuật hiện đại; phát triển các ngành cơ
khí, sản xuất các phụ tùng, thiết bị phục vụ cho các ngành công nghiệp,
năng lượng.
+ Từng bước hình thành thị trường bất động
sản của cả nước, trên cơ sở phát triển quỹ đất đủ lớn, để đáp ứng yêu
cầu cho các dự án có quy mô lớn dự kiến triển khai trong giai đoạn tới;
phát triển thị trường nhà ở cho thuê, các khu văn phòng cao cấp.
+ Tận dụng lợi thế về địa kinh tế để hình
thành các khu đô thị tập trung, có quy mô hợp lý, hình thành các Trung
tâm kinh tế của từng vùng, đô thị hóa nông thôn và đáp ứng tốt các yêu
cầu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp và
dịch vụ. Tập trung phát triển các khu đô thị cao cấp ở thành phố Phan
Rang-Tháp Chàm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học công
nghệ của tỉnh, là đô thị hạt nhân của các khu vực xung quanh thành phố,
là đầu mối giao thông liên vùng. Xây dựng thành phố trở thành trung tâm
thương mại – dịch vụ của tỉnh.
Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Xây dựng
các khu, cụm công nghiệp; Xây dựng hạ tầng giao thông; dự án xử lý chất
thải; Xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại quy mô lớn; Bệnh
viên chuyên khoa tiêu chuẩn quốc tế; Xây dựng cảng biển và dịch vụ hậu
cần cảng biển; Xây dựng các tòa nhà cao ốc, các khu chung cư cao cấp;
Xây dựng các khách sạn, khu du lịch đạt chuẩn 5 sao.
e) Giáo dục và đào tạo
Phát triển Giáo dục-Đào tạo một cách toàn
diện, đồng bộ cả về quy mô, chất lượng và cơ sở vật chất và quy hoạch
phát triển đội ngũ giáo viên, bảo đảm học sinh trong độ tuổi đi học được
đến trường đạt tỷ lệ cao nhất, giảm sự chênh lệch về Giáo dục-Đào tạo
giữa các vùng miền trong tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020 mục tiêu cụm ngành
này chiếm 3% GDP của tỉnh và giải quyết 0,2% lao động xã hội.
Phát triển mạng lưới trường, lớp ở các cấp
học đạt chuẩn quốc gia, chú trọng phát triển nhà trẻ mẫu giáo theo
hướng xã hội hóa. Phấn đấu đến năm 2015 đạt 30% số trường đạt chuẩn quốc
gia, 50% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày và 10% trường mầm non
đạt chuẩn quốc gia; đến năm 2020 các chỉ tiêu tương ứng trên đạt 50%,
60% và 20%.
- Đầu tư, nâng cấp mở rộng các cơ sở hiện
có, đặc biệt đào tạo nghề. Nâng cao chất lượng của các cơ sở dạy nghề và
phát triển các cơ sở dạy nghề phù hợp với nhu cầu của các ngành tăng
trưởng trong tương lai.
- Việc phát triển các cơ sở điện hạt nhân
và năng lượng tái tạo, sẽ là một động lực quan trọng cho việc thành lập
và phát triển các Trung tâm đào tạo chất lượng cao tại địa phương, nhằm
bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ cho ngành năng lượng sạch.
- Phát huy vị thế mới của Ninh Thuận là
trung tâm sản xuất năng lượng sạch của quốc gia, để thu hút các trung
tâm đào tạo có thương hiệu, có uy tín trong nước và trên thế giới đến
đầu tư thành lập các cơ sở giáo dục đào tạo, tập trung vào lĩnh vực năng
lượng sạch và các ngành hỗ trợ khác có liên quan. Tập trung đầu tư cơ
sở hạ tầng hỗ trợ chất lượng cao như thư viện và chỗ ở phục vụ cho sinh
viên, thúc đẩy phát triển một môi trường giáo dục đào tạo sôi động để
thu hút sinh viên trong cả nước đến học tập, nghiên cứu các ngành năng
lượng và các lĩnh vực khác.
Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản đáp ứng nhu
cầu nguồn nhân lực có tay nghề cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Giai đoạn 2016-2020 đào tạo nghề cho lao động trong tỉnh và các tỉnh
trong khu vực. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Phân hiệu Đại học Nông
Lâm; thành lập các cơ sở Đại học Thủy lợi và Điện lực; nâng cấp Trường
Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận thành Trường Cao đẳng đa ngành. Xúc tiến
chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sau năm 2015 thành lập trường Đại học
Ninh Thuận, đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng tại tỉnh các cơ sở đào tạo
đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Thành
lập các trường đại học, Trường dạy nghề tiêu chuẩn quốc tế các lĩnh vực
năng lượng, cơ khí chế tạo và du lịch.
2. Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầnga) Hạ tầng giao thông
- Đường bộ: Ưu tiên đầu tư xây dựng các
trục giao thông kết nối 2 hành lang quốc lộ 1A và tuyến đường ven biển,
trục ngang quốc lộ 27 kết nối với tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên,
cầu Đông Hải-Phú Thọ (cầu An Đông). Nâng cấp các tuyến quốc lộ: 1A, 27A,
27B, tuyến đường ven biển (Bình Tiên - Cà Ná), đường 703 nối quốc lộ 1A
đến đường Yên Ninh và Hải Thượng Lãn Ông, đường Kiền Kiền đến Cảng hàng
hóa Ninh Chữ, đường Văn Lâm-Sơn Hải. Xây dựng đường vành đai Tp.Phan
Rang-Tháp Chàm gắn kết với quốc lộ 27 và các tuyến đường qua các huyện:
Ninh Hải, Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước, khu vực sân bay Thành
Sơn đến KCN Du Long và khu vực các xã: Phước Thái, Phước Vinh (Ninh
Phước); Ma Nới (Ninh Sơn). Hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn,
miền núi và đường giao thông đến các vùng nguyên liệu; nâng cấp các
tuyến đường huyện đạt tiêu chuẩn đường cấp VI và cấp V đồng bằng.
- Đường sắt: Triển khai đầu tư các tuyến
đường sắt theo quy hoạch đến năm 2020 hoàn thành giai đoạn I cải tạo và
nâng cấp đường sắt Bắc – Nam đoạn đường sắt cao tốc Nha Trang-Tp.Hồ Chí
Minh đi qua tỉnh Ninh Thuận; nghiên cứu quy hoạch phục hồi tuyến đường
sắt Đà Lạt-Tháp Chàm để phát triển du lịch và liên kết phát triển du
lịch với Đà Lạt.
- Đường biển: Phát triển cảng biển Dốc
Hầm, quy mô hàng hóa qua cảng 15 triệu tấn/năm; cảng hàng hóa Ninh Chữ
tiếp nhận được tàu thuyển trọng tải 10.000 tấn; các cảng chuyên dụng
phục vụ du lịch gồm Bình Tiên- Vĩnh Hy, Bình Sơn-Ninh Chữ để tiếp nhận
các tàu du lịch trong nước; nâng cấp và mở rộng các cảng cá: Cà Ná, Đông
Hải và Ninh Chữ làm nơi tránh trú bão cho tàu thuyền, quy mô mỗi cảng
từ 500-1.000 chiếc và có khả năng tiếp nhận tàu có công suất từ
500-1.000 CV.
b) Thủy lợi
- Tập trung đầu tư các công trình thủy lợi
để tăng năng lực tưới khoảng 50% diện tích đất nông nghiệp vào năm 2015
và 56% vào năm 2020. Đến năm 2015 hoàn thành đầu tư hệ thống thủy lợi
hồ Tân Mỹ dung tích khoảng 219 triệu m3,
hồ Sông Than, hồ Ô Căm, hồ Tân Giang II, hồ Tà Nôi, hồ Đa Mây (xã Phước
Bình, huyện Bác Ái). Đầu tư xây dựng đập 19/5 mở rộng (Lâm Sơn), đập hạ
lưu sông Dinh để ngăn mặn, giữ nguồn nước ngọt, làm thay đổi môi trường
sinh thái và khai thác lợi thế khu vực hai bên bờ sông Dinh; đầu tư
kiên cố hệ thống kênh mương, trong đó tập trung đầu tư kênh cấp I thuộc
các hệ thống Nha Trinh-Lâm Cấm, Tân Giang và hệ thống kênh mương cấp II,
III để phát huy hiệu quả các hồ chứa nước đã đầu tư.
c) Hệ thống cấp nước và thoát nước
- Mở rộng và nâng cấp mạng lưới cấp nước,
xử lý nước thải Tp.Phan Rang-Tháp Chàm và các đô thị trong tỉnh; đầu tư
hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải cho các KCN và các Nhà
máy điện hạt nhân.
d) Cấp điện
- Nâng cấp và phát triển mạng lưới điện
trên địa bàn tỉnh, bảo đảm 100% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới
quốc gia, đáp ứng 100% nhu cầu về điện sản xuất phù hợp với quy mô sản
xuất ở các khu, cụm công nghiệp.
- Xây dựng trạm điện hạt nhân số 1 và số 2
(trạm 500 KV); phát triển lưới điện đấu nối các nguồn điện hạt nhân,
nhiệt điện và điện gió nối với hệ thống điện quốc gia và mạng lưới cấp
điện cho các phụ tải trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; nâng cấp hệ thống
lưới điện 15 KV (hiện có) lên 22 KV và từng bước thay thế đường dây nối
22 KV ở khu vực trung tâm các đô thị bằng cáp ngầm 22 KV.
- Xây dựng các trạm biến áp 220 KV, 110 KV phục vụ các KCN Du Long, Phước Nam, khu vực Dốc Hầm và cho Tp.Phan Rang-Tháp Chàm.
đ) Thông tin và truyền thông
- Mở rộng, nâng cấp và hiện đại hóa mạng
bưu chính-viễn thông và thông tin truyền thông có dung lượng lớn, tốc độ
cao, kết nối các địa phương trên cả nước và quốc tế; hiện đại hóa hệ
thống phân phối và truyền dẫn công nghệ cao và cáp quang trên địa bàn
tỉnh đến huyện, xã.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
trong quản lý nhà nước (Chính phủ điện tử) và giao dịch điện tử, tăng
mật độ thuê bao điện thoại, đến năm 2015 đạt bình quân 34 thuê bao điện
thoại/100 dân và đến năm 2020 tăng lên 50 thuê bao điện thoại /100 dân.
- Đảm bảo 100% xã có nút mạng, tiến hành
cung cấp đa dịch vụ, tốc độ cao, số người sử dụng Internet đến năm 2015
là 50%, sau 2015 về cơ bản tất cả nhu cầu về sử dụng Internet đều được
đáp ứng, mật độ thuê bao Internet đến năm 2015 đạt 6,4 thuê bao/100 dân
và đến năm 2020 đạt 15 thuê bao/100 dân.
I/ LỢI THẾ VÀ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN CỦA NINH THUẬN1. Lợi thế về vị trí địa kinh tế-chính trị:
Tỉnh Ninh Thuận đang ở mức phát triển thấp
như hiện nay, cho phép tỉnh có cơ hội tận dụng lợi thế của các xu hướng
quốc tế, quốc gia và khu vực, chẳng hạn như về bảo vệ môi trường và
tính bền vững.
Nằm liền kề với Cam Ranh, nơi có sân bay
quốc tế cách 60 km, Ninh Thuận còn có các trục giao thông nối liền với
Tây Nguyên và cả nước (quốc lộ IA, 27, đường sắt cao tốc TP.Hồ Chí Minh –
Nha Trang,…) và ở trong bối cảnh phát triển mới của hội nhập kinh tế
quốc tế với cách nhìn mới về vị trí của Ninh Thuận trong Chiến lược biển
Việt Nam thì lợi thế này là điều kiện để Ninh Thuận tham gia mạnh vào
hội nhập kinh tế quốc tế, đưa Ninh Thuận trở thành một đầu mối kinh tế
của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
2/ Lợi thế về tiềm năng biển,
điều kiện để phát triển những ngành, lĩnh vực kinh tế biển mang tính đặc
thù của Ninh Thuận và khu vực miền Trung.
Nằm trong vùng khí hậu khô hạn nhất cả
nước, ven biển có nhiều điều kiện làm dịch vụ cảng biển ở phía Bắc và
phía Nam tỉnh với nhiều đồi núi lan ra sát biển và vườn Quốc gia Núi
Chúa, ngoài biển có nhiều khu vực có rạn san hô; Ninh Thuận là nơi có
điều kiện sản xuất muối công nghiệp quy mô lớn nhất cả nước, trữ lượng
lớn về khoáng sản làm vật liệu xây dựng và Titan.
Đó là những điều kiện để Ninh Thuận phát
triển về phía Đông và phía Tây với các ngành kinh tế biển đặc thù như
cảng biển và dịch vụ cảng biển, công nghiệp biển (vật liệu xây dựng,
khai thác Titan), sản xuất muối, phát triển du lịch biển gắn với du lịch
leo núi và du lịch trên cát của vùng khô hạn, dịch vụ cho khai thác
đánh bắt thủy sản xa bờ; phát triển cây neem, nho, giống cây trồng và
giống nuôi trồng thủy sản…
3. Trên địa bàn có nhiều công
trình quy mô lớn tầm quốc gia được triển khai trong thời gian tới như dự
án cảng Dốc Hầm, điện gió, điện hạt nhân, quy hoạch khôi phục đường xe
lửa Đà Lạt – Tháp Chàm. Với lợi thế của tỉnh phát triển
sau, rút kinh nghiệm của các tỉnh đi trước, Ninh Thuận sẽ có thuận lợi
hơn trong thực hiện định hướng chiến lược phát triển tỉnh theo hướng
“xanh, sạch”, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trở thành những
“điểm nhấn” và tạo sự lan tỏa phát triển trong tỉnh và khu vực miền
Trung.
4. Trên địa bàn Ninh Thuận có
nhiều công trình văn hóa, các di tích lịch sử đang được bảo tồn, nhiều
lễ hội văn hóa đặc thù của dân tộc Chăm được giữ gìn. Đó
là những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, những vốn quý;
góp phần quan trọng trong phát triển du lịch văn hóa nói riêng và phát
triển kinh tế-xã hội nói chung.
5. Trong thời gian qua, nhất là thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương giai đoạn 2001-2010,
nhiều công trình, dự án có quy mô lớn, những công trình động lực cho sự
phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đã được triển khai theo quy
hoạch, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước được cải thiện, nhiều công
trình đầu tư đã được phát huy hiệu quả, nhất là các công trình thủy
lợi, giao thông. Đó là nền tảng và cơ hội cho phát triển kinh tế-xã hội
của tỉnh giai đoạn 2011-2020.
Hiện tại Ninh Thuận đang đứng trước những
cơ hội phát triển mới, chủ trương của Chính phủ triển khai đầu tư một số
công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy mạnh việc gia tăng tính kết
nối phát triển Ninh Thuận với các tỉnh trong vùng và vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam như đường sắt cao tốc Bắc Nam, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn
TP.HCM đi Nha Trang, cảng container Khánh Hòa, nâng cấp sân bay Cam Ranh
trở thành cảng hàng không quốc tế, chính thức hoạt động vào cuối năm
2009. Quốc hội đã có chủ trương đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân
đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận, trong đó nhà máy số 1 sẽ được khởi
công vào năm 2014 và vận hành thương mại vào năm 2020, đặc biệt là
tuyến đường cao tốc từ sân bay Cam Ranh đến Phan Rang; tuyến đường ven
biển đang được triển khai đầu tư nhanh dự kiến hoàn thành vào cuối năm
2013, sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh, mang lại lợi ích nhiều mặt
cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần khơi dậy mạnh mẽ
tiềm năng lợi thế, thu hút nhiều dự án đầu tư vào Ninh Thuận.
II/ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN
Ninh Thuận được đánh giá là địa phương
giàu tiềm năng phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực như: năng lượng,
du lịch, công nghiệp chế biến, thủy sản, nông nghiệp… và thời gian qua
lợi thế to lớn này đã được tỉnh chủ động khai thác hiệu quả.
1. Công nghiệp năng lượng
Ninh Thuận nằm ở vị trí cuối của dãy núi
Trường Sơn, được bao bọc bởi 3 dãy núi sát ra biển: phía Bắc và phía Nam
là 2 dãy núi chạy sát ra biển, phía Tây là dãy núi cao giáp cao nguyên
của tỉnh Lâm Đồng. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), Ninh
Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,1m/s, ở độ
cao 65m và mật độ từ 400-500 W/m2
trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam; tốc độ gió mạnh nhất trong
năm từ 18 đến 20 m/s (ở độ cao 12m). Toàn tỉnh hiện có 14 vùng gió tiềm
năng, khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở ba huyện Ninh Phước, Thuận
Nam và Thuận Bắc. Đặc biệt là Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều
trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4 - 9,6 m/s, đảm bảo ổn định cho
Turbin gió phát điện.
Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận có độ cao mặt
trời lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp
nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời rất lớn: trên 230 kcal/cm2, trong đó tháng ít nhất cũng 14 kcal/cm2.
Số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 2.600–2.800h, phân bố tương
đối điều hòa trong năm. Trừ những ngày có mưa rào, có thể nói hơn 90% số
ngày trong năm có thể sử dụng được năng lượng mặt trời. Số tháng nắng
trong năm: 9 tháng/năm (tương đương 200 ngày nắng/năm). Vì vậy Ninh
Thuận được đánh giá là tỉnh có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn nhất
trong nước. Với tổng quy mô lắp đặt khoảng 1.500 MW. Trong đó đặc biệt ở
khu vực huyện Ninh Phước và Thuận Nam có tiềm năng năng lượng mặt trời
rất lớn. Đây là vùng có thể khai thác tiềm năng năng lượng mặt trời có
hiệu quả.
Theo quy hoạch phát triển điện quốc gia
giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Ninh Thuận sẽ triển
khai đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước, có tổng công
suất 8.000 MW, tổng vốn đầu tư 12 tỷ USD, dự kiến khởi công nhà máy thứ
nhất vào năm 2014 và đưa vào vận hành thương mại vào năm 2020.
Hiện nay, với nguồn năng lượng hóa thạch,
dầu mỏ đang ngày càng khan hiếm đồng thời với việc ô nhiễm môi trường do
đốt nhiên liệu gây ra. Các nước có xu hướng đang tìm nguồn năng lượng
sạch để thay thế. Cùng với năng lượng điện hạt nhân, nguồn năng lượng
tái tạo (gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời) được sử dụng sẽ đóng
vai trò quan trọng trong hệ thống phát triển điện, bảo đảm an ninh năng
lượng quốc gia, góp phần bảo vệ môi trường.
Do vậy, việc khai thác năng lượng tái tạo
gồm điện gió, điện mặt trời là tiềm năng của Ninh Thuận, đang được nhiều
nhà đầu tư quan tâm, mục tiêu hướng đến là xây dựng trung tâm năng
lượng sạch của quốc gia, giải quyết từ 5-8% nhu cầu về điện của quốc gia
vào năm 2020.
2. Công nghiệp chế biến
Phát triển các ngành công nghiệp chế biến
mà tỉnh có lợi thế theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng thương
hiệu mạnh và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
a) Sản xuất muối công nghiệp và hóa chất từ muối
Ninh Thuận có điều kiện khí hậu đặc thù về
nắng nhiều trong năm, ít mưa phù hợp để sản xuất muối công nghiệp có
năng suất và chất lượng cao. Năm 2010 diện tích đồng muối gần 4.000 ha,
sản lượng hàng năm đạt 450.000 – 500.000 tấn, tập trung ở vùng Quán Thẻ,
Phương Cựu, Đầm Vua. Với sản lượng trên đảm bảo cung cấp nguyên liệu
cho ngành công nghiệp hóa chất sau muối và chế biến muối tinh.
b) Chế biến đá granite
Đá granite là loại khoáng sản có trữ lượng
lớn, độ nguyên khối và lộ thiên dễ khai thác, thuận lợi về vận chuyển,
đạt chuẩn về độ mịn, độ bóng và độ cứng, có nhiều màu sắc đẹp, có thể
chế biến thành các sản phẩm phục vụ cho xây dựng trong nước và xuất
khẩu. Đây là một lợi thế của tỉnh trong khi nhu cầu thị trường đang rất
lớn, tỉnh chủ trương thu hút vốn đầu tư vào khai thác và chế biến đá
granitte, xây dựng sản phẩm đá granitte trở thành sản phẩm chủ lực có
quy mô lớn.
c) Công nghiệp nước khoáng
Ninh Thuận có 2 mỏ nước khoáng (mỏ Tân Mỹ -
huyện Ninh Sơn và Nhị Hà, huyện Ninh Phước) có quy mô lớn, chất lượng
đạt tiêu chuẩn. Nước có độ nóng cao, thuận lợi cho việc xây dựng các nhà
máy sản xuất nước khoáng đóng chai, kết hợp phát triển du lịch nghỉ
dưỡng, tắm nước khoáng nóng, tắm bùn.
d) Công nghiệp chế biến nông, lâm sản
Ninh Thuận với đặc điểm khí hậu nắng nóng
quanh năm, thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi
đặc thù có năng suất, chất lượng cao với quy mô, diện tích lớn và sản
xuất được quanh năm. Sản lượng nho tươi hàng năm ổn định từ 60.000 –
65.000 tấn, có thể dùng cho chế biến rượu nho, chế biến nho khô… Riêng
các sản phẩm khác như mía, neem, bông hạt, thịt gia súc (bò, dê, cừu),
gia cầm… có sản lượng lớn, quy mô diện tích sẽ tiếp tục được mở rộng
cùng với việc đầu tư hệ thống thủy lợi, đáp ứng được nguồn nguyên liệu
cho công nghiệp chế biến.
Việc đầu tư chế biến các sản phẩm từ nho,
cây neem, các nông sản khác và thịt gia súc gia cầm đang là lĩnh vực
tỉnh khuyến khích kêu gọi đầu tư.
3. Du lịch – dịch vụ
Với lợi thế nằm trong tam giác du lịch
trọng điểm Đà Lạt – Nha Trang và Mũi Né (Bình Thuận), Ninh Thuận được
xác định là một trong những trọng điểm trong chiến lược phát triển du
lịch của cả nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tỉnh có bờ biển dài 105 km có nhiều bãi
tắm đẹp nổi tiếng như Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Vĩnh Hy… thuận lợi cho
việc hình thành các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp có tính
cạnh tranh cao tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế với quy mô diện tích
lớn, xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Thuận.
Ninh Thuận đang còn tồn tại nhiều công
trình kiến trúc cổ Chămpa và nhiều làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm và
làm đồ gốm của người Chămpa còn nguyên sơ và độc đáo. Dọc bờ biển từ An
Hải đến Mũi Dinh có rất nhiều đồi cát rộng, đẹp và sát biển, nổi bật là
đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh có quy mô lớn rất phù hợp để phát triển các
loại hình du lịch văn hóa, thể thao mạo hiểm, xây dựng trường đua môtô
trên cát tạo nét khác biệt, đặc sắc riêng có của Ninh Thuận.
Từ tiềm năng trên, du lịch biển và du lịch
sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa – lịch sử và dịch vụ phục vụ du
lịch được xác định là những lĩnh vực mũi nhọn mà tỉnh tập trung kêu gọi,
thu hút đầu tư trong thời gian tới. Từng bước hình thành các khu du
lịch trọng điểm của cả nước và khu vực Đông Nam Á với các loại hình du
lịch độc đáo, có chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm du lịch đa dạng;
hướng đến xây dựng Ninh Thuận thành một trong những vị trí chiến lược
trong mạng lưới du lịch của cả nước và khu vực.
4. Thủy sản
Với bờ biển dài 105 km, ngư trường Ninh
Thuận có thể khai thác quanh năm, được xác định là một trong 4 ngư
trường trọng điểm của cả nước với tổng trữ lượng cá, tôm tương đối lớn,
khả năng khai thác 50.000 tấn/năm với nhiều loại hải sản có giá trị kinh
tế cao có thễ phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Về nuôi trồng hải sản, vùng biển Ninh
Thuận là nơi sinh sống của nhiều loài hải sản đặc thù, có nguồn giống bố
mẹ dồi dào và môi trường nước biển trong sạch là địa bàn lý tưởng để
sản xuất các loại giống có chất lượng cao, nhất là tôm giống và ốc hương
giống.
Sản lượng sản xuất tôm giống của tỉnh nay
hơn 10 tỷ con tôm post/năm. Bộ NN&PTNT đã xây dựng Trung tâm sản
xuất và kiểm định tôm giống chất lượng cao tại Ninh Thuận. Hiện có nhiều
nhà đầu tư đã và đang đến Ninh Thuận để sản xuất tôm giống cung cấp cho
khu vực và cả nước như: Công ty XNK Thủy sản Minh Phú đầu tư sản xuất 5
tỷ con post/năm. Trại tôm giống Ninh Thuận đầu tư sản xuất 3,6 tỷ con
post/năm. Công ty tôm giống Grobest & IMei đầu tư sản xuất 2,4 tỷ
con post/năm, Công ty TNHH Uni-President VN và Công ty TNHH Sinh học
Thần Trinh đầu tư sản xuất 1,1 tỷ con post/năm ở An Hải, Công ty Khang
Thạnh đầu tư sản xuất ốc hương giống 100 triệu con có quy mô lớn nhất
Việt Nam…
Về khai thác, Ninh Thuận sở hữu nhiều
thuận lợi để phát triển lĩnh vực khai thác thủy sản đạt hiệu quả cao.
Ngư trường Ninh Thuận được xác định là một trong 4 ngư trường lớn của cả
nước với nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao và khai thác được quanh
năm. Hạ tầng phục vụ khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư
tương đối hoàn chỉnh, trong đó cảng cá Cà Ná đang đầu tư trở thành Trung
tâm nghề cá của tỉnh và khu vực, cảng Ninh Chữ được xây dựng thành nơi
neo đậu an toàn cho tàu thuyền khu vực miền Trung. Các cảng cá trên đảm
bảo thu hút và cung cấp nguyên liệu hải sản cho công nghiệp chế biến
xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và tạo điều kiện phát triển các dịch vụ.
5. Nông nghiệpa) Trồng trọt
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn
tỉnh 69.698 ha. Với tiềm năng đất có khả năng đưa vào sản xuất nông
nghiệp còn lớn và một số công trình thủy lợi lớn sẽ được đầu tư trong
giai đoạn đến năm 2015, sản xuất nông nghiệp Ninh Thuận trong những năm
sắp đến sẽ tập trung phát triển các cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế
cao như: nho, thuốc lá...; xây dựng vùng trồng lúa chuyên canh chất
lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mở rộng diện tích trồng cây công
nghiệp ngắn ngày, hình thành vùng trồng cây thực phẩm nông sản sạch cung
cấp cho thị trường đô thị lớn trong nước.
Phát triển cây cao su ở vùng núi phía Tây
của tỉnh thuộc 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái để phát triển vùng sản xuất
hàng hóa quy mô lớn gắn với chế biến, nâng cao hiệu quả sử dụng đất,
chống sa mạc hóa đất, nâng cao độ che phủ rừng và cải thiện đời sống
nhân dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát triển cây neem - là cây đặc thù rất
thuận lợi với điều kiện khí hậu Ninh Thuận phục vụ cho công nghiệp chế
biến phân bón và thuốc trừ sâu sinh học.
Việc Bộ NN&PTNT quyết định đầu tư cho
các trung tâm giống có năng suất, chất lượng cao tại Ninh Thuận như:
Trung tâm nghiên cứu các giống cây chịu hạn tại Phước Nam, Dự án sản
xuất giống cây trồng tại Sơn Hải, huyện Ninh Phước…Đây sẽ là thuận lợi
cho việc phát triển ngành trồng trọt của tỉnh.
b) Chăn nuôi:Hơn 2/3 diện tích tự nhiên là đồi núi; diện tích đất trống, đồi trọc chưa sử dụng vẫn còn… là thuận lợi cơ bản để Ninh Thuận phát triển mạnh ngành chăn nuôi vốn là thế mạnh của tỉnh với các loại vật nuôi đặc thù như bò, dê, cừu.
Việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi đặc thù mà tỉnh có lợi thế và chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp như cây neem, thuốc lá, nho… và thịt gia súc, gia cầm đang là lĩnh vực tỉnh khuyến khích và kêu gọi đầu tư.
c) Lâm nghiệp:
Diện tích đất có rừng gần 185.955 ha, độ che phủ của rừng đạt hơn 43,6%, tổng trữ lượng 11 triệu m3 gỗ và 2,5 triệu cây tre nứa, trong đó rừng sản xuất 27.911 ha, trữ lượng 4,5 triệu m3, rừng phòng hộ đầu nguồn 115,99 ngàn ha trữ lượng 5,5 triệu m3.
Rừng của Ninh Thuận là một thế mạnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội và cải tạo môi trường sinh thái.Các khu, cụm công nghiệp
Để
đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỉnh Ninh Thuận xem việc đầu tư
xây dựng các khu, cụm công nghiệp là giải pháp đột phá. Hiện nay trên
địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 2 KCN (KCN Du Long và KCN Phước Nam) và một
số cụm công nghiệp. Các khu, cụm công nghiệp của tỉnh có tính chất ổn
định, thuận lợi về giao thông và các dịch vụ điện, nước, hạ tầng thiết
yếu khác được đảm bảo.
A/ CÁC KHU CÔNG NGHIỆPI. Khu công nghiệp Du Long
1/ Vị trí địa lý
KCN Du Long thuộc vùng đồng bằng tỉnh Ninh
Thuận, nằm tại km 1540+598 trên Quốc lộ 1A, thuộc địa phận 2 xã Lợi Hải
và Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, cách Cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa 30
km; cách Tp.Phan Rang-Tháp Chàm 20 km. Phía Bắc giáp khu dân cư xã Lợi
Hải, phía Nam giáp khu dân cư Ba Tháp thuộc xã Tân Hải, phía Đông giáp
tuyến quốc lộ 1A, phía Tây giáp tuyến đường sắt Bắc-Nam …, là điều kiện
rất thuận lợi cho lưu thông, hoạt động của KCN.
2/ Quy mô diện tíchTổng diện tích 407,28 ha chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 là 254,18 ha, tiến độ thực hiện năm 2011-2013.
- Giai đoạn 2 là 153,1 ha, tiến độ thực hiện năm 2013-2016.
3/ Mục tiêu:
Tạo nên một KCN tập trung có hệ thống hạ
tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại đáp ứng được yêu cầu của công nghệ sản
xuất tiên tiến. Đồng thời tạo ra những sản phẩm có chất lượng đạt tiêu
chuẩn quốc tế, năng suất cao đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và
xuất khẩu ra nước ngoài, trên cơ sở đảm bảo một môi trường bền vững cho
KCN.
4/ Tính chất và quy hoạch các ngành nghề mời gọi đầu tư
KCN Du Long là KCN tập trung ít gây ành
hưởng đến môi trường. Chủ yếu bố trí các nhà máy lắp ráp điện tử, tin
học, các ngành công nghệ cao; lắp ráp ôtô, xe máy; công nghiệp cơ khí
chế tạo máy nông, công nghiệp; công nghiệp vật liệu xây dựng, công
nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; sản xuất hàng tiêu dùng.
5/ Lợi thế đầu tưa) Lợi thế về giao thông
- Thuận lợi giao thông đường bộ vì KCN nằm liền kề với Quốc lộ 1A. KCN cũng sở hữu lợi thế lớn về giao thông đường thủy và đường hàng không khi cách cảng và sân bay Cam Ranh chỉ 30 km.
- Ngoài ra KCN rất gần với các trung tâm đô thị lớn: Cách Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận: 20 km, cách Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh hòa: 60km, gần khu du lịch Tháp Chàm, Vịnh Vĩnh Hy, Bình Sơn-Ninh Chữ…
b) Hỗ trợ của chính quyền
* Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Thuận
Địa chỉ trụ sở chính: 127 Trần Phú, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận.
Điện thoại: 068.2212708, 068.2212709 Fax: 068.3922046
* Giải quyết các thủ tục hành chính: Dịch vụ một cửa liên thông, thủ tục đơn giản
c) Nguồn nhân lực
- Lực lượng lao động: Dân số toàn tỉnh là 582.700 người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động 370.000 người, chiếm 63.8% dân số của tỉnh; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 40%. Với nguồn lao động dồi dào trên sẽ đáp ứng nhu cầu lao động cho các dự án đầu tư trong KCN.
- Đào tạo và dạy nghề: Trên địa bàn tỉnh có Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường chính trị, Trường Đại học Thủy lợi và các trường dạy nghề, hướng nghiệp; mỗi năm có hàng ngàn học viên tốt nghiệp.
d) Cơ sở hạ tầng
- Điện: nguồn điện được lấy từ ĐK-110 KV chạy song song với QL1A. Điện 110 KV sẽ được ngành điện lực cấp đến trạm biến áp 110/22 KV trong hàng rào KCN.
- Nước:
+ Nguồn nước: Trạm cấp nước trong KCN, cấp với công suất 20.400 m3/ngày.
+ Xử lý nước thải: nước thải sẽ được xử lý cục bộ đủ tiêu chuẩn tại các nhà máy sau đó được chuyển vào trạm xử lý có công suất 16.300 m3/ngày.
- Viễn thông: Tổng đài với 3.280 thuê bao, kết nối với mạng thông tin quốc gia và hệ thống ADSL phục vụ cho các nhà máy.
6/ Chủ đầu tư kết nối hạ tầng KCN
- Công ty TNHH MTV Đầu tư quốc tế Hoa Thìn Long Đức Phong (Việt Nam)
- Địa chỉ: 65 Trần Quang Diệu, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
- Điện thoại: 068.3821588 / 068.3921969
7/ Các văn bản pháp lý
- Văn bản số 256/TTg-CN ngày 14/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trương xây dựng KCN Du Long.
- Quyết định số 1142/QĐ-BXD ngày 26/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết KCN Du Long.
- Quyết định số 3848/QĐ-UBND ngày 30/6/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc thành lập KCN Du Long, tỉnh Ninh Thuận.
- Giấy chứng nhận đầu tư số 432043000008 chứng nhận thay đổi lần thứ 1 ngày 19/8/2001 của Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Thuận đã cấp cho nhà đầu tư Công ty TNHH một thành viên đầu tư quốc tế Hoa Thìn Long Đức Phong (VN) để xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Du Long.
II. Khu công nghiệp Phước Nam
1. Vị trí địa lý
KCN Phước Nam nằm ở vùng Nam Trung bộ,
trên địa bàn xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (tại km 1574
trên Quốc lộ 1A), cách Tp.Phan Rang-Tháp Chàm 15 km về phía Bắc; cách
Khu du lịch Cà Ná 10 km về phía Nam; cách Tp.Nha Trang 120 km; cách sân
bay quốc tế Cam Ranh 70 km và Cảng Ba Ngòi 50 km; cách Tp.Hồ Chí Minh
335 km theo đường bộ.
2. Quy mô diện tíchTổng diện tích khoảng 369,92 ha chia 2 giai đoạn
- Giai đoạn 1 là 151 ha, thời gian thực hiện từ 2007–2009
- Giai đoạn 2 là 219 ha, thời gian thực hiện từ 2009–2013
3. Mục tiêu
Tạo nên một KCN tập trung có hệ thống hạ
tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại đáp ứng được yêu cầu của công nghệ sản
xuất tiên tiến. Đồng thời tạo ra những sản phẩm có chất lượng đạt tiêu
chuẩn quốc tế, năng suất cao đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và
xuất khẩu ra nước ngoài, trên cơ sở đảm bảo một môi trường bền vững cho
KCN.
4. Tính chất và quy hoạch các ngành nghề mời gọi đầu tư
KCN Phước Nam là KCN tập trung ít gây ảnh
hưởng đến môi trường. Chủ yếu bố trí các ngành công nghệ cao, các nhà
máy lắp ráp điện tử, tin học, lắp ráp ô tô, xe máy; công nghiệp cơ khí
chế tạo máy nông, công nghiệp; công nghiệp và vật liệu xây dựng; xí
nghiệp công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; công nghiệp may mặc, giày
da xuất khẩu.
5. Lợi thế đầu tưa) Lợi thế về giao thông
- KCN nằm ở vị trí địa lý khá thuận lợi:
nằm trên trục đường quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, cách sân bay Cam Ranh
70 km và cảng hàng hóa Ba Ngòi 50 km, cách ga đường sắt Tháp Chàm 15
km. Trong tương lai sẽ có Cảng Dốc Hầm-Cà Ná có công suất bốc dỡ 15
triệu tấn/năm.
b) Hỗ trợ của chính quyền* Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Thuận
Địa chỉ trụ sở chính: 127 Trần Phú, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận
Điện thoại: 068.2212708, 068.2212709 Fax: 068.3922046
* Giải quyết các thủ tục hành chính: Dịch vụ một cửa liên thông, thủ tục đơn giản
c) Nguồn nhân lực
- Nguồn lao động chưa có việc làm tại Ninh Thuận còn lớn.
- Ninh Thuận có Trường Trung cấp dạy nghề đào tạo kỹ thuật cho người lao động.
d) Cơ sở hạ tầng
- Có khu dân cư dành cho công nhân KCN.
- Vị trí xây dựng các công trình có điều kiện địa chất ổn định.
6. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN
+ Công ty CP Đầu tư Phước Nam-Ninh Thuận
- Địa chỉ: xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
- Điện thoại: 098 738 5539; (068) 3827979; (068) 3960393 – Fax: (068) 382 7666
+ Văn phòng tại Tp.HCM: 20 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, Q.1, Tp.HCM
- Điện thoại: (08) 39118459 - Fax: (08) 39118786
7. Văn bản pháp lý
Khu Công nghiệp Phước Nam là KCN đầu tiên
của tỉnh Ninh Thuận, được thành lập vào năm 2007 theo Công văn
1050/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ ngày 06 tháng 7 năm 2006, Quyết định
số 1151/QĐ-BXD ngày 16 tháng 8 năm 2006 của Bộ Xây dựng về phê duyệt
quy hoạch chi tiết Khu Công nghiệp Phước Nam-Ninh Thuận và Quyết định số
233/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2007 của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Ninh
Thuận về việc cho thuê đất đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng
Khu công nghiệp.
B. CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP
Theo định hướng giai đoạn 2011- 2020, Ninh
Thuận đang kêu gọi ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng 8 cụm công
nghiệp: Thành Hải, Tháp Chàm (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm), Cà Ná
(Thuận Nam), Tri Hải (Ninh Hải), Tân Sơn, Quảng Sơn (Ninh Sơn), Phước
Thắng (Bác Ái), Suối Đá (Thuận Bắc). Theo đó, Ninh Thuận sẽ tạo mọi điều
kiện thuận lợi để các nhà đầu tư thực hiện dự án tại các cụm công
nghiệp của tỉnh.
Chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư
I/ Hỗ trợ về thủ tục đầu tư:
Với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ngày 8/3/2010 UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 207/2010/QĐ-UB thành lập Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO). Văn phòng này sẽ đóng vai trò là cơ quan đầu mối trong việc hỗ trợ nhà đầu tư và đối tác hỗ trợ phát triển trên địa bàn tỉnh hoàn tất các thủ tục liên quan để có thể triển khai dự án như: thành lập doanh nghiệp, chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường, thuê đất, giải phóng mặt bằng…
Nói cách khác, EDO ra đời với vai trò là nơi giao dịch duy nhất cho các nhà đầu tư và đối tác hỗ trợ phát triển trên địa bàn tỉnh; củng cố và điều phối hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thu hút, quản lý nguồn vốn đầu tư, viện trợ phát triển. Các nhà đầu tư từ khi đến tỉnh chỉ cần tiếp xúc với một đầu mối là EDO để hoàn tầt các thủ tục liên quan như thành lập doanh nghiệp, xin chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư liên quan đến xây dựng, đất đai, môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và các thủ tục cấp phép khác để có thể triển khai dự án.
Các thủ tục đầu tư sẽ được EDO, có sự tham gia làm việc của cán bộ kiêm nhiệm ở các sở, ban, ngành liên quan, tiếp nhận và xử lý trả kết quả cho nhà đầu tư tại EDO. Các quy trình thủ tục sẽ được kết hợp thực hiện đồng thời, theo hướng đơn giản hóa, thời gian giải quyết được rút ngắn từ 30-50% so với quy định, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư. Riêng đối với các thủ tục đơn giản như cấp mã số thuế, giới thiệu địa điểm đầu tư, trích lục sơ đồ vị trí, đăng kí kê khai thuế… sẽ thực hiện tại EDO và trả kết quả ngay trong ngày làm việc. Các vấn đề khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, nhà tài trợ trong quá trình thực hiện thủ tục, triển khai dự án đầu tư, tài trợ sẽ được xử lý kịp thời thông qua cơ chế họp giao ban định kỳ của Ban chỉ đạo EDO.
Với tinh thần thân thiện, đồng hành với nhà đầu tư trong tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, coi thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh, thời gian qua, số doanh nghiệp đăng kí hoạt động kinh doanh, đầu tư vào Ninh Thuận ngày càng tăng với quy mô lớn hơn, nhất là sau Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh năm 2009 vừa qua đã tạo làn sóng đầu tư mới. Nhiều Tập đoàn, Tổng công ty lớn trong nước cũng như các Tập đoàn có thương hiệu ở nước ngoài đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư, mở ra nhiều triển vọng cho những năm tới, nhất là tập trung khai thác các tiềm năng lợi thế của tỉnh về du lịch biển, khai thác và chế biến đá granitte, sản xuất giống thủy sản, dịch vụ du lịch-thương mại, phát triển năng lượng sạch, lĩnh vực xã hội hóa…
II/ Về chính sách ưu đã đầu tư: Ninh Thuận thuộc địa bàn khuyến khích đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất cả nước, đồng thời Ninh Thuận chủ trương dành các ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Chính phủ và vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Theo đó các nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu theo quy định sau:
1. Địa bàn thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư:
Áp dụng theo phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (sau đây gọi tắt là Nghị định số 108/2006/NĐ-CP), tỉnh Ninh Thuận có 06 huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Lĩnh vực thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư: Thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP.
3. Ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước:
3.1. Đơn giá thuê đất, thuê mặt nước của mỗi dự án được ổn định trong 5 năm và được tính theo giá đất do UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành theo mục đích sử dụng đất thuê của từng vị trí.
3.2. Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước: Thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước, cụ thể như sau:
4. Ưu đãi về thuế: Nhà đầu tư có dự án đầu
tư trên địa bàn các huyện của tỉnh, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến
khích đầu tư, đặc biệt khuyến khích đầu tư quy định tại Phụ lục I ban
hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ được hưởng mức
ưu đãi cao nhất về thuế theo quy định hiện hành của nhà nước.
Với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ngày 8/3/2010 UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 207/2010/QĐ-UB thành lập Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO). Văn phòng này sẽ đóng vai trò là cơ quan đầu mối trong việc hỗ trợ nhà đầu tư và đối tác hỗ trợ phát triển trên địa bàn tỉnh hoàn tất các thủ tục liên quan để có thể triển khai dự án như: thành lập doanh nghiệp, chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường, thuê đất, giải phóng mặt bằng…
GIỚI THUÊỤ MÔ HÌNH “MỘT CỬA LIÊN THÔNG” – VĂN PHÒNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ NINH THUẬN (EDO)
Trên cơ sở nghiên cứu mô hình Ban Phát
triển kinh tế (EDB) của Singapore và ý tưởng tư vấn của Tập đoàn
Monitor, ngày 8-3-2010, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số
207/2010/QĐ-UB thành lập Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO) trực thuộc
Sở Kế hoạch và Đầu tư với mục tiêu cải thiện mô hình “Một cửa liên
thông” hiện đang áp dụng, đưa các thủ tục hành chính về một đầu mối và
đơn giản hóa, rút ngắn tối đa thời gian ở các khâu, tạo niềm tin, sức
hấp dẫn và điều kiện thuận lợi nhất đối với các nhà đầu tư.
Với hình thức tổ chức là đơn vị sự nghiệp công, Văn phòng Phát triển
kinh tế vừa trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời chịu sự chỉ đạo
trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh. EDO là một mô hình hoàn toàn mới, lần
đầu tiên xuất hiện với nhiệm vụ chính là tham mưu xây dựng và thực hiện
các kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư, vận động tài trợ các nguồn
vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), viện trợ phi chính phủ nước
ngoài (NGO); tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, vận động tài trợ
nhằm giới thiệu, xúc tiến các dự án đầu tư, dự án vận động tài trợ của
tỉnh với các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, các nhà tài trợ, qua đó
thu hút vốn đầu tư vào tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu và vận hành hệ thống
thông tin về tiềm năng cơ hội đầu tư, quy hoạch, đất đai, danh mục dự
án kêu gọi đầu tư, vận động tài trợ của tỉnh để cung cấp, giới thiệu cho
các nhà đầu tư, nhà tài trợ; tham mưu cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu
tư trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương về địa điểm đầu tư, cấp Giấy
chứng nhận đầu tư dự án các thành phần kinh tế, làm đầu mối hướng dẫn
thủ tục, tiếp nhận hồ sơ, xử lý chuyển các cơ quan chức năng liên quan
giải quyết theo thẩm quyền và trả kết quả cho nhà đầu tư theo cơ chế
“Một cửa liên thông”; làm đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ các nhà tài trợ
trong quá trình tìm hiểu thông tin, triển khai chương trình, dự án tài
trợ tại tỉnh; tham mưu cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư, thu hút
quản lý các chương trình, dự án ODA và NGO trên phạm vi toàn tỉnh; phối
hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ các nhà đầu tư, nhà tài
trợ giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện
dự án đầu tư, tài trợ tại tỉnh.Nói cách khác, EDO ra đời với vai trò là nơi giao dịch duy nhất cho các nhà đầu tư và đối tác hỗ trợ phát triển trên địa bàn tỉnh; củng cố và điều phối hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thu hút, quản lý nguồn vốn đầu tư, viện trợ phát triển. Các nhà đầu tư từ khi đến tỉnh chỉ cần tiếp xúc với một đầu mối là EDO để hoàn tầt các thủ tục liên quan như thành lập doanh nghiệp, xin chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư liên quan đến xây dựng, đất đai, môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và các thủ tục cấp phép khác để có thể triển khai dự án.
Các thủ tục đầu tư sẽ được EDO, có sự tham gia làm việc của cán bộ kiêm nhiệm ở các sở, ban, ngành liên quan, tiếp nhận và xử lý trả kết quả cho nhà đầu tư tại EDO. Các quy trình thủ tục sẽ được kết hợp thực hiện đồng thời, theo hướng đơn giản hóa, thời gian giải quyết được rút ngắn từ 30-50% so với quy định, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư. Riêng đối với các thủ tục đơn giản như cấp mã số thuế, giới thiệu địa điểm đầu tư, trích lục sơ đồ vị trí, đăng kí kê khai thuế… sẽ thực hiện tại EDO và trả kết quả ngay trong ngày làm việc. Các vấn đề khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, nhà tài trợ trong quá trình thực hiện thủ tục, triển khai dự án đầu tư, tài trợ sẽ được xử lý kịp thời thông qua cơ chế họp giao ban định kỳ của Ban chỉ đạo EDO.
Với tinh thần thân thiện, đồng hành với nhà đầu tư trong tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, coi thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh, thời gian qua, số doanh nghiệp đăng kí hoạt động kinh doanh, đầu tư vào Ninh Thuận ngày càng tăng với quy mô lớn hơn, nhất là sau Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh năm 2009 vừa qua đã tạo làn sóng đầu tư mới. Nhiều Tập đoàn, Tổng công ty lớn trong nước cũng như các Tập đoàn có thương hiệu ở nước ngoài đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư, mở ra nhiều triển vọng cho những năm tới, nhất là tập trung khai thác các tiềm năng lợi thế của tỉnh về du lịch biển, khai thác và chế biến đá granitte, sản xuất giống thủy sản, dịch vụ du lịch-thương mại, phát triển năng lượng sạch, lĩnh vực xã hội hóa…
II/ Về chính sách ưu đã đầu tư: Ninh Thuận thuộc địa bàn khuyến khích đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất cả nước, đồng thời Ninh Thuận chủ trương dành các ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Chính phủ và vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Theo đó các nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu theo quy định sau:
1. Địa bàn thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư:
Áp dụng theo phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (sau đây gọi tắt là Nghị định số 108/2006/NĐ-CP), tỉnh Ninh Thuận có 06 huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Lĩnh vực thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư: Thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP.
3. Ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước:
3.1. Đơn giá thuê đất, thuê mặt nước của mỗi dự án được ổn định trong 5 năm và được tính theo giá đất do UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành theo mục đích sử dụng đất thuê của từng vị trí.
3.2. Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước: Thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước, cụ thể như sau:
4.1- Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Thực
hiện theo Nghị định 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Nghị định 124/2008/NĐ-CP), cụ thể:
a) Được áp dụng mức thuế suất ưu đãi cao nhất 10% trong thời hạn 15 năm đối với:
- Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn 06 huyện của tỉnh.
- Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực:
+ Công nghệ cao theo quy định của pháp luật; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
+ Đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy
điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng
không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng
đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
+ Sản xuầt sản phẩm phần mềm.
* Được áp dụng mức thuế suất 10% trong
suốt thời gian hoạt động đối với các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa như
giáo dục- đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường.
b) Miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiêp:
- Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với:
+ Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư quy định tại điểm a, mục này;
+ Doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn 06 huyện của tỉnh.
- Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải
nộp trong 5 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh
vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
* Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính
liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án
đầu tư; trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm
đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư thì thời gian miễn
thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.
Lưu ý: Thuế TNDN có hai mức ưu đãi là 10%
và 20%, tuy nhiên Ninh Thuận chỉ có mức 10% vì không có địa bàn có diiều
kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Việc miễn, giảm thuế chỉ áp dụng cho cơ
sở sản xuất kinh doanh thành lập mới từ dự án đầu tư (không áp dụng cho
đầu tư mở rộng).
4.2- Về thuế nhập khẩu: Thực hiện ưu đãi
theo Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu,
theo đó dự án đầu tư vào địa bàn 6 huyện; dự án thuộc danh mục khuyến
khích đầu tư được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo
tài sản cố định của doanh nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét