Khí hậu
Khí hậu Quảng Ninh tiêu biểu cho khí hậu
các tỉnh miền Bắc Việt Nam vừa có nét riêng của một tỉnh miền núi ven
biển. Các quần đảo ở huyện Cô Tô và Vân Đồn ... có đặc trưng của khí hậu
đại dương.
Quảng Ninh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới có
một mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều; một mùa đông lạnh, ít mưa và tính nhiệt
đới nóng ẩm là bao trùm nhất.
Do nằm trong vành đai nhiệt đới nên hàng năm có hai
lần mặt trời qua thiên đỉnh, tiềm năng về bức xạ và nhiệt độ rất phong
phú.
Ảnh hưởng bởi hoàn lưu gió mùa Đông Nam Á nên khí
hậu bị phân hoá thành hai mùa: mùa hạ nóng ẩm với mùa mưa, mùa đông lạnh
với mùa khô.
Về nhiệt độ: được xác định có mùa đông lạnh, nhiệt độ không khí trung bình ổn định dưới 20oC. Mùa nóng có nhiệt độ trung bình ổn định trên 25oC.
Về mưa: theo quy ước chung, thời kỳ có lượng mưa ổn
định trên 100 mm là mùa mưa; còn mùa khô là mùa có lượng mưa tháng ổn
định dưới 100 mm.
Theo số liệu quan trắc, mùa lạnh ở Quảng Ninh bắt
đầu từ hạ tuần tháng 11 và kết thúc vào cuối tháng 3 năm sau, mùa nóng
bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 10.
Mùa ít mưa bắt đầu từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau, mùa mưa nhiều bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 10.
Giữa hai mùa lạnh và mùa nóng, hai mùa khô và mùa
mưa là hai thời kỳ chuyển tiếp khí hậu, mỗi thời kỳ khoảng một tháng
(tháng 4 và tháng 10).
Sự chênh lệch về nhiệt độ trung bình của tháng tiêu
biểu cho mùa đông (tháng 1) thấp hơn nhiệt độ trung bình của tháng tiêu
biểu cho mùa hạ (tháng 7) là 120C và thấp hơn nhiệt độ trung bình của tháng 1 theo tiêu chuẩn nhiệt độ cùng vĩ tuyến là 5,10C.
Quảng Ninh
Trà Cổ - điểm đến vùng cực đông
QNP - Nằm ở cực đông Tổ quốc, Trà Cổ (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) sở hữu một phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ với một "Bãi biển trữ tình nhất Việt Nam" và nhiều công trình kiến trúc đình, chùa, nhà thờ cổ kính. Hằng năm, theo thống kê của địa phương này, Trà Cổ có tới hàng vạn lượt khách đến thăm quan và nghỉ dưỡng.
Biển Trà Cổ
Cách
trung tâm thành phố Móng Cái 9km, Trà Cổ là một bãi cát bồi tự nhiên cả
nghìn năm qua đã có con người sinh sống. Bên bờ biển là những cồn cát
cao từ 3-4m, cư dân đông đúc, sống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Ven bờ
là các dải rừng phi lao chắn gió, giữ cát, bốn mùa xanh vi vút.
Mặc
dù nằm trong vùng kinh tế thương mại sôi động thuộc thị trường cửa khẩu
Móng Cái, Trà Cổ vẫn giữ được vẻ hoang sơ, yên ả, không xô bồ. Du khách
có dịp tới đây sẽ choáng ngợp bởi một bờ cát dài miên man, chắc như
được nện và dịu dàng không thể hơn. Bãi biển cũng là bến đậu của hàng
trăm bè mảng. Buổi sớm, ngư dân khiêng lưới ra khơi và buổi chiều tấp về
đầy bến đỗ. Trong ánh tà dương nhuộm đỏ chân trời, vẫn còn thấy bóng
những người đàn bà cào thiếp lê đi trên cát vắng. Trà Cổ không chỉ là
bãi cát của thú tiêu dao nhàn tản, đó còn là nguồn sống của những cư dân
tần tảo. Có lẽ không ở đâu, hải sản sẵn và ngon như Trà Cổ. Ghẹ ở đây
không to, nhưng thịt nhiều, chắc nịch, ăn một lần nhớ mãi.Cách
Trà Cổ khoảng 6km, có một nơi đón bình minh hoặc hoàng hôn cực kỳ lãng
mạn, đó là Cồn Mang. Ngồi trên những hòn đá to, lắng nghe những con sóng
bạc đầu rì rào vỗ về hòa trong tiếng chuông thánh thót ngân vang của
nhà thờ luôn mang lại một cảm giác yên bình, thanh thản.Đánh
giá về bãi biển Trà Cổ, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã khẳng định, Trà Cổ
là bãi biển dài nhất Việt Nam, với chiều dài 17km, diện tích khoảng
170ha cong hình vành khuyên, trải từ mũi Gót phía bắc đến mũi Ngọc ở
phía nam. Đây cũng chính là bãi biển đầu tiên trên bản đồ đất nước.Bên
cạnh sự hấp dẫn của bãi biển, Trà Cổ còn có di tích lịch sử văn hoá
đình Trà Cổ - một công trình kiến trúc được xây dựng từ thế kỷ XV, thờ 6
vị tiên công - những ngư dân đầu tiên lập nên làng Trà Cổ. Nếu đi nghỉ
mát đúng vào dịp cuối tháng 5 âm lịch, bạn sẽ được tham gia "Hội đình
Trà Cổ" diễn ra từ ngày 30.5 - 6.6 âm lịch. Trà Cổ còn có nhà thờ thiên
chúa giáo với kiến trúc tuyệt đẹp và cổ kính. Đây là công trình được xây
dựng từ năm 1880. Với
mục tiêu xây dựng khu du lịch Trà Cổ trở thành một điểm đến văn minh
không thể thiếu trong hành trình tour của mỗi du khách, TP.Móng Cái đang
tập trung thực hiện quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết trên cơ sở
hình thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp với loại hình du lịch chất lượng
cao. Đây là tín hiệu vui cho Trà Cổ trong lộ trình xây dựng thương hiệu
về du lịch./.
Theo Báo Lao động
Xôi năm màu và các món bánh đặc sắc
25/01/2011 2:40:29 CH
Các dân tộc Tày,
Nùng, Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán, Sán Chỉ, Cao Lan, Sán Dìu, Hoa... ở
tỉnh nhà có nhiều ngày tết trong năm. Sau Tết Nguyên đán là tết Hàn thực
(mồng Ba tháng Ba), tết Đoan Ngọ (mồng Năm Tháng Năm), tết Trung nguyên
(rằm Tháng Bảy), tết Trung thu (rằm Tháng Tám), tết Trùng thập (mồng
Mười Tháng Mười). Ngoài ra, ngày Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), ngày
Thanh Minh (trong Tháng Ba), ngày cúng ông Táo (23 Tháng Chạp), nhà nhà
đều sắp đồ cúng, trong đó có món xôi và rất nhiều loại bánh.
Trong các loại xôi, đặc sắc nhất là Xôi Năm màu (ửng shệch phàn). Phải là năm, chứ không được bốn hoặc sáu. (Có người giải thích đó là 5 “khí”, “chất” của trời đất: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Một lần đi điền dã vùng người Dao Thanh Y ở Đầm Hà, tôi lại nghe một cụ già giảng giải, đó là ngũ đại, năm đời. Con cháu phải nhớ cúng giỗ năm đời và trong nội tộc năm đời không thể có quan hệ hôn thú...). Xôi Năm màu vẫn là loại nếp nương thơm lừng, trước khi đồ gạo nếp được ngâm trong các màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen rồi vớt ra cho mỗi màu một lớp trong chõ, ngăn cách bằng lá chuối xé rách cho hơi nóng tỏa đều. Các màu lấy từ nhiều loại lá rừng, đều là những dược liệu được truyền lại từ nhiều đời, vừa không độc vừa có mùi thơm ngon. Màu đỏ lấy từ lá Hung lam (người Việt gọi là cây cơm lông) hoặc lá bơ poong (tiếng Dao), màu tím dùng lá bớ cắm, màu đen dùng lá sau sau (cây sâu cước), màu xanh dùng lá mây, màu vàng dùng quả Dành dành hoặc củ Nghệ. Xôi chín được đơm trong khuôn gói bánh chưng. Nâng khuôn cao dần, hết màu này đến mầu khác. Cũng có thể đóng thành năm khuôn oản bày trong đĩa như hình một bông hoa. Không chỉ đẹp và thơm ngon với nhiều mùi vị của núi rừng mà đĩa xôi, khuôn Xôi Năm màu còn tiềm ẩn những gì thiêng liêng trong tâm linh nên được mọi người rất trân trọng...
Bà con các các dân tộc thiểu số thường náo nức làm nhiều loại bánh trong dịp tết. Từ bột ngô có thể làm ra nhiều loại bánh tương tự như bánh khảo. Từ bột sắn, có thể làm ra bánh viên bột, bánh Cuộn Thừng, bánh Quai, bánh Giầy đậu... Nhưng nhiều nhất vẫn là các loại bánh làm từ gạo nếp và bột nếp. Trong đó, loại bánh không thể thiếu được là bánh Chưng và bánh Coóc Mò. Bánh chưng thường được gói tròn như khúc giò (bánh tày), chỉ có một chút khác là bà con thường trộn nhân bánh với nước lá Hung Lam, khi cắt ra khoanh bánh có màu đỏ ở giữa, như hình một bông hoa. Bánh Coóc Mò (có thể gọi là bánh sừng bò), hình chóp nhọn (coóc mò lỉm) cũng gói bằng gạo nếp nhân đỗ xanh và thịt, chỉ khác là gói bằng lá ỏng hay lá Chít (xếp một hai chiếc lá khoanh lại thành hình cái phễu rồi cho gạo và nhân gói lại. Bánh Coóc Mò luộc chóng chín, nhỏ, gọn, trẻ con rất thích.
Cũng là bánh chưng nhưng nhiều gia đình ở Bình Liêu còn làm một cặp bánh đặc biệt được gọi là bánh Bố và bánh Mẹ (kèm po, kèm me). Bánh bố gói dài, nhân bánh là nguyên một con cá đã nướng chín, thường là cá nhòng suối (cá mình tròn vẩy trắng nhỏ hơi giống cá rói, cá trôi ở nước ngọt, cá đối ở nước mặn). Bánh mẹ gói tròn, nhân là một quả trứng gà đã luộc chín bóc vỏ. Trên bàn thờ mỗi gia đình chỉ có một cặp bánh bố bánh mẹ được bày trân trọng đến sau Tết Nguyên tiêu. Như tên gọi, cặp bánh nhắc nhở và thể hiện tấm lòng của chủ nhân với cha mẹ, tổ tiên, nguồn cội. Tôi tự suy ra rằng, phải chăng hình thù hai chiếc bánh, bố dài, mẹ tròn còn có ý nghĩa phồn thực, dấu vết của tín ngưỡng dân gian thuở xa xưa mọi người hồn nhiên thờ sinh thực khí?
Hải Cừ
Tôm khô bóc nõn
Giống tôm ở biển
có lắm loại. Có một loại người ven vịnh Hạ Long khi sử dụng thường phải
bỏ vỏ, vì vỏ của nó cứng, đó là tôm sắt. Không ít gia đình người Hạ
Long xa quê vẫn luôn nhớ hương vị quê nhà mà tôm khô bóc nõn là một nét
gợi dễ kiếm tìm.
Tôi chưa trông thấy tôm sắt to bao giờ, cũng chưa trông thấy tôm sắt có trứng; chỉ thấy loại to nhất bằng cỡ cái bút bi Thiên Long trở xuống. Mua về, muốn ăn chúng, dù rang, rim hay để chế biến thành một món nào khác, người nội trợ phải ngồi bóc bỏ vỏ. Có lần tôi thử rang chúng cả con, loại nhỏ hơn bút bi Thiên Long, ăn thấy vỏ cứng, giòn, chóng vỡ vụn, gây khó chịu khi cảm giác có gì đó nhàm nhạp trong miệng.
Ở chợ người ta vẫn bán tôm sắt tươi, bởi nó rẻ hơn các loại tôm khác. Nhưng ăn tươi thường là mua một ít. Mua về, bóc lấy mình tôm để rang hay rim, hay sốt cà chua, hay để xào lẫn với một thứ rau nào đó, hay băm nhỏ để trộn với một vài thứ khác làm nhân cuốn chả nem; còn vỏ và đầu tôm thì bỏ vào luộc, gạn lấy nước nấu canh bầu, canh mùng tơi, canh rau cải... Song tôm sắt có nhiều ở chợ chúng có dạng khác, đó là tôm khô bóc nõn. Đừng nghĩ đây là thịt của loại tôm đã bị ươn, người ta mới chế biến thành tôm nõn khô. Nó chính là tôm sắt. Những mẻ tôm sắt đánh được nhiều bằng giã tôm, ngư dân thường đồ chúng lên, sau đó bóc vỏ, phơi hoặc sấy khô nõn tôm đem bán. Làm như thế, giá trị của một cân tôm sắt nâng lên nhiều. Một cân tôm khô bóc nõn có giá từ 150 đến 170 ngàn đồng tuỳ loại nõn tôm to hay nhỏ hơn.
Có lẽ vì tôm khô bóc nõn đắt, vả lại ai dại gì đi ăn những thứ khô trong khi thứ tươi đang có sẵn, nên người nội trợ vùng vịnh Hạ Long ít khi mua để dùng bữa. Song tôm khô bóc nõn lại đặc biệt có giá trị cho người sống ở xa quê, nhất là đang sống ở những vùng không gần biển, nó tham gia vào các món ăn, vừa ngon, lại vừa luôn gợi nhớ hương vị quê nhà. Nhất là, nó là thứ “gia vị” dành cho chế biến nhiều món thức ăn của người xa quê đang sống độc thân, bận việc, ngại đi chợ hay không có thời gian đi chợ, thì tôm khô bóc nõn như là một cứu cánh.
Đầu ngõ, có bà lão bán dưa, đi làm về tiện thể mua năm trăm hay một ngàn đồng; về, lấy một nhúm nõn tôm khô cho vào nước lạnh rửa qua rồi dùng dao đập dập thả vào nồi nước dùng để nấu canh, sau đó thì bỏ dưa vào, đun sôi lên, tra mắm muối cho vừa ăn, đun tiếp cho dưa mềm, rắc hành hoa, thì là, bắc xuống (mà chẳng có hành hoa, thì là thì hành khô cũng được; thậm chí không có cũng chẳng sao, chỉ làm cho nồi canh bớt ngon đi chút đỉnh). Thế là ta đã có món canh dưa nấu tôm thơm tho, ngon ngọt. Cách nấu nướng ấy còn là canh bí đao nõn tôm khô, canh bầu, canh rau mùng tơi, canh rau cải, rau muống vân vân và vân vân. Mùa thu se sắt, mùa đông giá rét, cơm vừa chín tới nóng hôi hổi ăn với canh nấu tôm nõn khô vừa bắc ở bếp xuống còn gì thú bằng!
Cũng là thịnh soạn khi dùng tôm khô bóc nõn để chế biến các món xào với bầu, với rau cải, với súp lơ...
Món chả nem mà nhân có một ít nõn tôm khô băm nhỏ trộn lẫn thì độ ngon tăng lên nhiều. Tiện đây nói đến bánh cuốn Bà Ngân nổi tiếng ở thành phố Hạ Long: trong nhân bánh của bà có nõn tôm khô chao dầu. Có lẽ đây là nét khu biệt dễ nhận thấy nhất so với các hàng bánh cuốn khác không dùng thứ tôm khô này.
Người Hạ Long xa quê nhiều khi vẫn thèm ăn cháo trắng? Cháo trắng húp nguội kèm với tôm khô bóc nõn rim hay đem rang mặn không thể không nói là kỳ thú.
Có là xa xỉ lắm không khi dùng tôm khô bóc nõn sốt cà chua, hay rang, hay rán lên làm thức đưa cay. Dù sao những món ăn, những thức nhắm như thế ở nơi đất khách quê người khiến ta nao nao nao nhớ quê nhà mà nhờ đó thấy bữa ăn ngon hơn, rượu uống vào chóng say hơn.
Bạn tôi kể, đang làm thì được cơ quan cử đi học chuyên tu ở Hà Nội. Mất hai năm. Khi làm luận án tốt nghiệp, giáo sư hướng dẫn là nữ. Mới kể chuyện cho vợ, bảo có chút quà biếu giáo sư, bằng phong bì, giáo sư nhất quyết không nhận, thấy áy náy. Vợ mách, nếu một chút quà quê, nói khéo có khi giáo sư vui lòng nhận, “để em lo giúp!”. “Tôi xách gói quà đến - bạn kể - nói với giáo sư rằng đây là một chút quà quê vợ gửi biếu giáo sư. Do chằng buộc kỹ, không tiện mở, hỏi đó là quà gì thì vợ không nói, chỉ tủm tỉm, cứ dặn là xin giáo sư vui lòng nhận, lại bảo trong gói quà có cả hướng dẫn cách chế biến. Thế là giáo sư đành phải nhận. ít lâu sau gặp lại giáo sư, bà bảo cho gửi lời cảm ơn chị nhà, chu đáo quá!”. Gói quà đó chính là tôm khô bóc nõn. Bạn bảo, hỏi vợ sao không là mực khô hay sá sùng khô? Vợ cười, nói đấy là thứ thức nhắm, chỉ lợi cho cánh đàn ông, còn với người phụ nữ phải nội trợ thì quà là tôm khô bóc nõn quý hơn nhiều...
Gia đình tôi có mấy đứa con đang sống ở Hà Nội. Đứa đang đi làm, đứa đang đi học, chưa có đứa nào lập gia đình riêng. Cố chắt chiu mua cho chúng được căn nhà nho nhỏ, chị em cùng sống, bảo ban nhau khi bố mẹ vẫn còn ở Quảng Ninh. Do sinh ra và lớn lên ngay ven vịnh Hạ Long, chúng luôn nhớ những món ăn từ biển. Thảng hoặc có dịp lên Hà Nội hay gửi được ai đó, nhà tôi chuẩn bị cho chúng cá một nắng hay hì hụi mua tôm (không phải tôm sắt) về rang; đôi khi là cá rán, thậm chí là ghẹ luộc. Lại còn mua cả hà về làm sạch, chia vào các túi nhỏ, bỏ vào ngăn đá tủ lạnh, sáng sau mang lên nấu cho chúng bát canh hà. Số còn lại cất vào ngăn đá, chúng có thêm một bữa canh hà nữa, hoặc chúng thích làm hà tẩm bột rán hay nấu cháo hà thì tuỳ. Nhưng “bền vững” nhất vẫn là tôm khô bóc nõn. Mỗi đợt gửi, chúng dùng trong 2 - 3 tháng, hết lại báo bố mẹ gửi lên, phù hợp cho chế biến món ăn khi chúng vẫn còn đang sống độc thân, giờ học, giờ làm việc túi bụi suốt ngày không có thời gian đi chợ.
Mà chả cứ những đứa trẻ đang sống như các con tôi, không ít gia đình người Hạ Long xa quê vẫn luôn nhớ hương vị quê nhà mà tôm khô bóc nõn là một nét gợi dễ kiếm tìm.
Trần Giang Nam
cc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét